Chuyện về cô học trò với ý tưởng cảnh báo nước biển dâng |
Thứ sáu, 04 Tháng 9 2015 14:53 | ||
Ðầu tháng 9 này, Trần Ðào Hải Ngọc là một trong những học sinh được tuyên dương tại Lễ trao giải Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh lần thứ II năm 2015. Với “Mô hình sa bàn mô tả quá trình nước biển dâng gây ngập lụt, góp phần hạn chế hậu quả do biến đổi khí hậu (BÐKH) đối với các vùng ven biển”, cựu học sinh lớp 12A1 Trường THPT Quốc học (TP Quy Nhơn) đã gây bất ngờ với nhiều người bởi ý tưởng và sự sáng tạo.
“Em sẽ tiếp tục nâng cấp để có thể đưa mô hình sa bàn mô tả quá trình nước biển dâng gây ngập lụt, góp phần hạn chế hậu quả do BÐKH vào thực tiễn phục vụ đời sống, để người dân đỡ khổ được phần nào”.(TRẦN ĐÀO HẢI NGỌC) Sáng tạo từ 3 câu hỏi Trước đây, nhà của Ngọc ở đường Nguyễn Huệ (TP Quy Nhơn), gần biển lắm nên nghe thông tin BĐKH làm nước biển dâng, mọi người lại lo lắng không yên. Tuy nhiên, đa số bà con làm nghề biển trình độ còn thấp, tiếp nhận các thông tin về BĐKH còn hạn chế. “Trong đầu em lúc nào cũng thắc mắc, vì sao hiểu biết về BĐKH của cộng đồng cư dân ven biển còn thấp. Các tác động nào làm ảnh hưởng đến nhận thức của bà con. Đâu là giải pháp để cải thiện thực trạng đó?” - Ngọc bắt đầu câu chuyện về nghiên cứu của mình như thế. Trả lời cho 3 câu hỏi ấy, cô học trò xác định việc tìm kiếm một mô hình truyền thông phù hợp với bà con ngư dân vùng ven biển để họ hiểu biết và thích ứng với BĐKH là rất cần thiết. Nhiều công trình, dự án đã nêu ra các vấn đề về lý luận và thực tiễn trong công tác xây dựng mô hình giáo dục cộng đồng với BĐKH, nhưng truyền thông bằng mô hình trực quan thì chưa có. Tận dụng những khoảng thời gian rảnh ít ỏi của học kỳ 2 năm học cuối cấp, Hải Ngọc cặm cụi làm mô hình, với sự hỗ trợ nhiệt tình của các giáo viên bộ môn địa lý. Mô hình gồm 2 phần: sa bàn mô phỏng các khu vực địa hình, các khu dân cư ven biển và thiết bị kỹ thuật mô tả hiện tượng nước biển dâng. Phần quan trọng nhất là hộp kỹ thuật điện tử báo mực nước dâng, bao gồm một hệ mạch điều khiển cảm biến siêu âm SRF05, một hệ thống đèn, chuông báo động và một máy sấy hoạt động chế độ nóng tỏa nhiệt làm tan đá (băng) dùng để mô phỏng hiện tượng nước biển dâng. Nguyên lý hoạt động của mô hình sa bàn khá hiệu quả. Khi bật nguồn trên màn hình led thể hiện mực nước an toàn và hệ thống đèn hiệu báo màu xanh. Khởi động hệ thống tỏa nhiệt nóng, thước đo nhiệt độ hiển thị nhiệt độ tăng lên, đá trong hộp bắt đầu tan chảy (băng tan chảy vào đại dương làm tăng dần mực nước tại các vùng ven biển) và hệ thống đèn báo hiệu sẽ chuyển sang trạng thái báo động liên tục từ màu xanh đến màu vàng. Mực nước càng lên cao hệ thống đèn báo hiệu sẽ chuyển sang trạng thái báo động liên tục từ màu vàng đến màu đỏ. Lúc này, cộng đồng và chính quyền địa phương phải triển khai nhanh các kế hoạch ứng phó như: chằng chống nhà cửa, xây dựng kè chắn sóng, đắp bờ bao, di chuyển tàu thuyền, di dân đến nơi an toàn… Tiến sĩ Nguyễn Thị Tố Trân - giám khảo chấm giải cho mô hình của Hải Ngọc - cho rằng, việc tìm kiếm một mô hình truyền thông phù hợp với đối tượng cư dân ven biển nhằm tăng hiểu biết và thích ứng với BĐKH là vấn đề mang tính cấp thiết đặt ra trong thực tiễn truyền thông về công tác ứng phó với BĐKH tại vùng ven biển Bình Định. Đấu tranh để thực hiện ước mơ Học giỏi và từng đoạt nhiều giải học sinh giỏi cấp tỉnh ở các môn Toán, Tiếng Anh và Sinh học, nhưng Hải Ngọc chưa bao giờ thôi “đau đáu” về các đề tài liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường. Cũng trong năm học cuối cấp vừa rồi, cô Bí thư Đoàn của lớp 12A1 cùng lúc cho ra đời đề tài nghiên cứu “Chung tay góp sức bảo vệ môi trường cho thế hệ hôm nay và mai sau” và giành luôn giải Khuyến khích Cuộc thi Khoa học và kỹ thuật do Sở GD&ĐT tổ chức. Người đối diện dễ dàng nhận ra ở Hải Ngọc hình ảnh một cô gái đầy nội lực và mạnh mẽ, luôn “cháy” hết mình với niềm đam mê. Thấy con gái làm đề tài nghiên cứu khi thời điểm thi quyết định cho con đường đại học đang đến rất gần, ba mẹ em - tiến sĩ Trần Văn Vinh (công tác tại Sở NN-PTNT) và cô giáo Đào Thị Xuân Long (giáo viên tiếng Anh Trường THPT Quốc học) đứng ngồi không yên. “Tính con bé mạnh mẽ lắm. Gần hết năm học cuối cấp, vậy mà đêm đêm vẫn cặm cụi làm đề tài nghiên cứu một mình” - chị Long chia sẻ. Chưa hết, ba mẹ cũng “bất lực” trước sự đấu tranh quyết liệt trong việc chọn nghề của Hải Ngọc. Nhà có hai chị em, chị gái Trần Đào Kỳ Duyên theo ngành ngoại ngữ của mẹ. Khi hay tin con gái út đạt giải thưởng của Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh lần thứ II năm 2015, sẵn có nền tảng và yêu thích nghiên cứu, ba định hướng cho Ngọc theo ngành môi trường; trong khi mẹ không nói ra nhưng vẫn muốn con theo ngành ngoại thương. Nhưng, Hải Ngọc thì chọn theo học ngành Y của Trường Đại học Y dược Cần Thơ. “Ngành học nào cũng đều là phục vụ cho cộng đồng cả, nhưng em muốn trở thành một bác sĩ, có thể cứu chữa cho nhiều bệnh nhân” - Hải Ngọc tâm sự. Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|
"Yêu nước, hiếu học, kính thầy, mến bạn"
admin@quochocquynhon.edu.vn
FANPAGE TRƯỜNG
FANPAGE ĐOÀN TRƯỜNG
Hôm nay: | 574 | |
Hôm qua | 735 | |
Tuần này | 574 | |
Tuần qua | 3960 | |
Tháng này | 4965 | |
Tháng trước | 18502 | |
Tất cả | 1948438 |